Từ bài học kinh nghiệm quốc tế, có thể thấy các quốc gia trong khu vực đã phát huy rất tốt lợi thế của mình để phát triển ngành điện tử. Rõ ràng, đối với ngành công nghiệp điện tử gia dụng, những lợi thế vốn có hiện tại vẫn là nhân tố động lực để phát triển. Chi phí tiền lương công nhân thấp là một nhân tố quan trọng để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung và vào ngành công nghiệp điện tử nói riêng, đặc biệt là những ngành sản xuất thiết bị điện tử gia dụng và các linh kiện cồng kềnh có giá trị thấp.
Tuy nhiên, quá trình sản xuất của công nghiệp điện tử lại đòi hỏi trình độ đào tạo nhất định và những kỹ năng cần thiết do tiến bộ kỹ thuật. Môi trường đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi nhờ hàng loạt các biện pháp kích thích kinh tế và thay đổi cơ chế kiểm soát mà Chính phủ đã đưa ra gần đây. Mặc dù thu nhập bình quân đầu người còn thấp về tuyệt đối, nhưng tốc độ tăng tương đối cao và cơ cấu tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng là các nhân tố có sức thu hút đầu tư FDI rất lớn.
Cũng giống như Phi-lip-pin, vị trí địa lý thuận lợi của Việt Nam ở Đông Á – giữa ASEAN với Trung Quốc và Nhật Bản, Hàn Quốc cũng cần phải được khai thác triệt để trong phát triển CNĐT và ĐTGD. Do thuận lợi trong việc vận chuyển các linh kiện và thiết bị từ các quốc gia khác, Việt Nam sẽ là địa điểm thực hiện các hoạt động lắp ráp các linh kiện được sản xuất từ các quốc gia trong khu vực và xuất khẩu thành phẩm sang các thị trường lân cận. Do có chi phí vận tải thấp nên sản phẩm điện tử lắp ráp tại Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh về giá.
Tuy nhiên, phương thức này chỉ thích hợp với giai đoạn đầu của phát triển. Nếu không sử dụng lợi thế về sức cạnh tranh, sức lan tỏa của thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cái “bẫy chi phí thấp” sẽ níu chân Việt Nam ở mắt xích thấp nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong những năm tới, Việt Nam nên khai thác lợi thế này theo phương thức liên kết ngược lại. Cần khuyến khích và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để xây dựng các cơ sở sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, nhựa và kim loại ngay tại Việt Nam và cung ứng cho các cơ sở lắp ráp ở các quốc gia lân cận. Thông qua liên kết sản xuất, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp nhận được công nghệ mới và những kỹ năng cần thiết, đồng thời cung cấp các dịch vụ cho các công ty nước ngoài.