Khái niệm CNHT của Việt Nam quá rộng so với thông lệ quốc tế và được định nghĩa chưa thật cụ thể. Về phạm vi, thuật ngữ CNHT thường dành để chỉ một số ngành chuyên cung ứng các nhóm linh kiện cho các ngành công nghiệp chế tạo tương đối tương đồng nhau, trong khi CNHT ở Việt Nam được xác định chỉ trong nội vi ngành công nghiệp hạ nguồn.
Xác định các nhân tố quan trọng tác động đến sự phát triển CNHT quốc gia: (1) Chính phủ với quan điểm phát triển CNHT và các chính sách đi kèm; (2) Sự phát triển của các TĐĐQG, cả lắp ráp lẫn cung ứng; (3) Năng lực của quốc gia để có thể phát triển CNHT, bao gồm năng lực nội địa hoá, khả năng tích tụ công nghiệp và hoạt động của các cụm liên kết ngành (industrial cluster).
Theo tác giả, trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, quan điểm phát triển CNHT hợp lý nhất cho Việt Nam là dựa trên mạng lưới của “lý thuyết trò chơi”, với vai trò tích cực của các TĐĐQG và các nhà cung ứng quốc tế.
Dựa trên quy trình sản xuất các sản phẩm điện tử gia dụng, luận án đã xác định phạm vi của CNHT ngành điện tử gia dụng, bao gồm quá trình sản xuất 3 nhóm sản phẩm chính: linh kiện điện và điện tử, linh kiện kim loại, linh kiện nhựa và cao su.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, vai trò của Chính phủ vô cùng quan trọng trong phát triển CNHT, thể hiện ở các điểm chính: (i) cần xác định rõ các ưu tiên về
ngành CNHT, sản phẩm CNHT, từ đó có các chính sách phù hợp, như chính sách thuế, quy định tỉ lệ nội hoá, thể chế hoá các quy định liên quan đến CNHT như quy chế hợp đồng, tiêu chuẩn chất lượng linh phụ kiện… (ii) xây dựng các chương trình hành động hiệu quả về CNHT; (iii) xoá bỏ khoảng cách giữa chính sách và thực thi chính sách; (iv) xác định rõ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là lực lượng sản xuất CNHT quan trọng.