Khó khăn về tay nghề công nhân dệt may
Tay nghề công nhân may:Công nhân may nước ta được đánh giá có tay nghề khá so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu rất nhiều lao động tay nghề cao. Toàn ngành chỉ có 4 trường đào tạo với “công suất” mỗi năm khoảng 2000 công nhân, không thể đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, thậm chí khi về doanh nghiệp phải chấp nhận tự đào tạo lại. Chính vì thế, các nhà máy, công ty may vẫn lựa chọn phương thức tự đào tạo tại đơn vị.
Vì đào tạo không có bài bản nên số lao động thay thế hàng năm chất lượng không cao, năng suất lao động thấp. Do đó, để hoàn thành các đơn hàng bắt buộc doanh nghiệp phải tuyển dụng nhiều lao động, thực hiện làm việc 3 ca, 4 kíp. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến thu nhập của lao động mới làm việc thấp, thậm chí ở một số doanh nghiệp, thu nhập của lao động lâu năm cũng chỉ tương đương thu nhập của lao động mới ở các công ty danh tiếng.
Hơn nữa ngành may đang có sự chuyển dịch lao động lớn. Lương thấp khiến lao động giỏi “chạy” về các công ty trả lương cao, nhất là các doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp nước ngoài, khiến một số công ty, xí nghiệp may thiếu trầm trọng lao động có tay nghề. Trừ một số doanh nghiệp uy tín như May10, Việt Tiến, Nhà Bè thì hầu như lao động dệt may chất lượng tốt nhất đang thuộc về các liên doanh.
Công ty Vinatex, lương bình quân toàn tổng công ty đạt 1.359.000 đồng/tháng/lao động, là mức lương tương đối cao so với mức lương trung bình của ngành may. Nhưng Vinatex cũng mất nhiều lao động về phía liên doanh và vẫn thiếu trầm trọng lao động giỏi, phải thuê các chuyên gia nước ngoài sang đào tạo để bổ sung vào số thiếu hụt.